Top Ad unit 728 × 90

Review Mắt Biếc: Tình đầu, một thời cứ ngỡ một đời

Ngạn (Trần Nghĩa) và Hà Lan (Trúc Anh) lớn lên từ làng Đo Đo. Ngay từ lần đầu gặp, Ngạn đã si mê đôi mắt to tròn, trong veo của Hà Lan. Cả hai lớn lên cùng nhau hệt như một giấc mơ cho đến một ngày, Ngạn thấy Hà Lan xinh đẹp rạng ngời trong tà áo dài năm cuối cấp 2.


Câu chuyện bắt đầu thay đổi khi Hà Lan phải lên thành phố trước Ngạn 2 tháng để học thêm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ở nhà người cô ruột giàu có, Hà Lan thay đổi ít nhiều. Cho đến khi Ngạn rời làng lên thành phố trọ học, Hà Lan đã là người phố thị, cùng những biến cố cuộc đời kéo dài đến 30 năm sau.


Chuyện phim sau khi được chuyển thể đã có tinh giảm nhiều chi tiết, một số xuất hiện sự thay đổi nhỏ so với truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhưng lại không gây khó chịu mà còn đem đến một cảm xúc mới cho mối tình dang dở của Ngạn và Hà Lan.
“Ngạn” của Trần Nghĩa là điểm sáng nhất của Mắt Biếc

Trước khi xem Mắt Biếc, đã có rất nhiều hoài nghi về thực lực của Trần Nghĩa liệu có đủ “gồng” để gánh vác vai Ngạn "si tình" trên phim không? Câu trả lời là hoàn toàn xứng đáng. Ngay từ tạo hình của phim, từ giây phút Ngạn mặc chiếc áo trắng quần tây, đứng đợi Hà Lan trước cổng trường nữ sinh, khán giả đã tin không phải là ai khác, chỉ có Trần Nghĩa mới diễn được vai Ngạn. Xuyên suốt phim, Trần Nghĩa đã dùng ánh mắt biết nói của mình để diễn tả vô vàn cảm xúc, khiến cho người xem tin được rằng ở thế gian có một tấm tình si như vậy.


Về phần Hà Lan và Dũng, cả hai thật sự là "trời sinh một cặp". Trúc Anh so với bộ phim gần đây nhất là Ngốc Ơi Tuổi 17 đã trưởng thành hơn rất nhiều. Một phần theo như Trúc Anh chia sẻ, khi nhận vai Mắt Biếc thì phim trước đã ghi hình từ năm 2017. Mốc thời gian hai năm cũng là vừa đủ để Trúc Anh "cải thiện", tất nhiên vẫn còn đôi chỗ không hài lòng, nhưng vốn dĩ nhân vật Hà Lan này được sinh ra để "không làm hài lòng khán giả", nên có thể nói Trúc Anh đã làm tốt vai trò của mình.


Ngoài ra diễn xuất của Dũng (Trần Phong), Trà Long của Khánh Vân cũng diễn rất ổn. Đặc biệt là Khánh Vân, cô là diễn viên "tay ngang" nhưng có ánh mắt biết nói, nụ cười đủ duyên để lấy cảm tình khán giả.
 

Hóa trang nhân vật đậm chất thanh xuân


Điểm thú vị nhất là trang phục của nhân vật, quá đẹp và chi tiết. Những palette màu khi lên phim kết hợp với nhau một cách hài hòa. Trang phục tất nhiên là vintage nhưng kiểu dáng không bị nhà quê mà toát lên một sự thanh lịch. Nhất là những tà áo dài nữ sinh xưa, vô cùng duyên dáng và chân phương. Phục trang của các nhân vật được kết hợp tinh tế, mang người xem như trở lại thời học sinh, trải nghiệm tuổi học trò thơ ngây một lần nữa.

Âm nhạc và bối cảnh tuyệt vời

Mắt biếc có nhiều điểm cộng về bối cảnh, đạo cụ, phục trang. Dù phim quay ở thời điểm những năm 50 – 60 nhưng gần như tất cả các khung cảnh trên phim đều tạo được không khí những ngày cũ, từ làng Đo Đo đến khu vũ trường, phố thị, trường học, rạp chiếu phim… những khung cảnh ấy đủ sức mạnh để đưa chúng ta đến với thời quá khứ một cách trọn vẹn.


Thêm vào đó, nhạc phim mỗi lần âm nhạc cất lên là toàn rạp đều mang lại những cảm xúc bồi hồi không tưởng. Giai điệu da diết với rất nhiều kiểu phối, ca từ sâu lắng như nói lên toàn bộ nỗi lòng của Ngạn. Không chỉ vậy, trong bài hát luôn ẩn chứa một nỗi niềm rất buồn, khiến người xem phải lắng đọng khi nó cất lên. Mỗi giai điệu vang lên như lót đường cho cảm xúc tuôn trào.
Mắt Biếc là cái kết “có hậu” cho điện ảnh Việt 2019

Không hề ngoa khi nói rằng, Mắt biếc là kết thúc "có hậu" của điện ảnh Việt một năm thua nhiều hơn thắng. Mắt biếc đẹp, buồn, tổng thể dễ đoán nhưng không nhàm chán, và có cái kết khiến người xem rung động. Phim chính thức ra rạp vào ngày 20/12, các suất chiếu sớm bắt đầu vào 19/12.
Review Mắt Biếc: Tình đầu, một thời cứ ngỡ một đời Đánh giá bởi f7deat trên 4:43 PM Xếp hạng: 5

No comments:

Powered by Blogger.